Hạng mục bê tông đập đầu mối đang được gấp rút hoàn thiện
Tin tức sự kiện

Người thợ Sông Đà 11 chinh phục đỉnh To Buông

Cuộc điện thoại năm mới đầu tiên vang lên từ bàn viết của tôi vào lúc 21h ngày mùng 6 Tết. Tiếng nói từ đầu dây bên kia nghe trong vắt: “Tết này Bác đã đến xông đất chỗ nào chưa?”, tôi nhận ngay ra cái giọng nói sang sảng của Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Sông Đà 11 Nguyễn Văn Sơn, “Sớm mai tôi lên Tây Bắc kiểm tra quân số và xem công việc ở To Buông triển khai ra sao, Bác có đi không?”. Tôi lặng đi vài giây vì nghĩ đến ngày làm việc đầu năm ngoái – ngày khai xuân – diễn ra những cuộc gặp gỡ, chúc tụng, nâng ly có khi say sưa đến buổi chiều còn chưa dứt…

“Năm nay khác rồi”, ông Sơn nói ngay, như thể đã đọc ra được cái ý nghĩ vừa thoáng xuất hiện trong đầu tôi, và tiếp: “cả Công ty đã có mặt ở cơ quan được 98% quân số. Cuộc gặp mặt đầu năm chỉ diễn ra trong vòng 2 giờ để lãnh đạo quán triệt lại tinh thần Nghị quyết, nhiệm vụ SXKD năm 2015 trong Hội nghị tổng kết năm ngoái mà thôi. Bắt đầu từ ngày mùng 7 Tết ai vào việc nấy, riêng Chủ tịch lên Tây Bắc còn Tổng Giám đốc Lê Văn Tuấn đã khăn gói đi Tây Nguyên ngay từ chuyến bay chiều nay rồi”…

Mờ sáng mùng 7 Tết, tôi lên xe cùng ông Nguyễn Văn Sơn ngược Quốc lộ 6 tới Sơn La xông đất công trình Thủy điện To Buông, nơi chỉ cách tượng đài những cô gái dân quân Châu Yên bắn rơi máy bay Mỹ chừng vài chục km. Với tôi đây là lần thứ 3 trong vòng 7 năm trở lại đây được đến xông đất các công trình xây dựng ở vùng Tây Bắc vào dịp đầu năm mới. Suốt lộ trình Quốc lộ 6 lên Tây Bắc, dù hôm nay đã là ngày mùng 7 tháng Giêng âm lịch nhưng xe chúng tôi lăn bánh cứ tuồn tuột chả vướng mắc gì ở các thị trấn thị tứ, còn hàng quán hai bên đường vẫn vắng tanh vắng ngắt, hình như mùa Tết vẫn còn vương vấn đâu đó trong các làng bản… Xe vượt đèo Thung Khe, rồi qua cao nguyên Mộc Châu cũng tuyệt nhiên không vướng một chút mù, mây. Tôi phấn chấn nói với Chủ tịch Sơn: “Chuyến xuất hành của ông năm nay thật suôn sẻ, may mắn đó!”.

To Buông tên một nhà máy Thủy điện được Công ty cổ phần Sông Đà 11 giao cho Công ty cổ phần Thủy điện To Buông làm Chủ đầu tư, còn Công ty đóng vai trò Tổng thầu xây dựng. Dự án này được Công ty cổ phần Sông Đà 11 mua lại từ một Nhà đầu tư đã được cấp phép nhiều năm trước nhưng không thực hiện. Với bề dày kinh nghiệm 50 năm thi công xây lắp mà đa phần là làm thủy điện, Công ty cổ phần Sông Đà 11 đã tìm ra những biện pháp thi công xây dựng tối ưu như: Khoan, đào mới 970m đường hầm xuyên núi để dẫn nước từ kênh đổ vào Bể điều áp – tránh phải đi đường vòng xa tới vài km. Biện pháp này đặc biệt giảm thiểu được chi phí đền bù đất rừng và đất canh tác, không phài di dân tái định cư, đẩy tiến độ xây dựng nhanh hơn đến hàng năm, và đặc biệt là giảm giá thành vốn đầu tư. Vì thế Sông Đà 11 coi đây là dự án trọng điểm của Công ty trong năm 2015 này.

Hạng mục bê tông đập đầu mối đang được gấp rút hoàn thiện
Hạng mục bê tông đập đầu mối đang được gấp rút hoàn thiện

Kỹ sư Phạm Văn Tiến, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủy điện To Buông cho biết, công trình được khởi công xây dựng từ đầu quý 2 năm 2014 trên địa bàn của hai địa phương là bản Tin Tốc (nơi đặt Nhà máy) và xã Loóng Phiêng (nơi xây đập và kênh dẫn nước). Dự án được xây dựng trong điều kiện thuận lợi như: Không phải di dân tái định cư, công tác đền bù không nhiều, lại được các cấp chính quyền quan tâm giúp đỡ. Đặc biệt là được đồng bào – đa phần là người dân tộc Thái – đồng tình ủng hộ và sẵn lòng chia sẻ, giúp đỡ nên tiến độ thi công của các lực lượng xây lắp trên công trường luôn đáp ứng mục tiêu đặt ra, đạt năng suất, hiệu quả tốt. Ông Phạm Văn Tiến cho biết thêm, Công ty cổ phần Sông Đà 11 đặt mục tiêu cho công trình là phải hoàn thành các hạng mục để đảm bảo đưa Tổ máy số 1 vào vận hành trong dịp cuối năm 2015 này. Tôi nghe mà thấy làm lạ, vì sao lại có sự bứt phá ngoạn mục đến như vậy? Bởi tôi là người đã từng có mặt và chứng kiến quá trình xây dựng của khoảng 5 đến 7 chục dự án xây dựng Thủy điện nhưng chưa thấy công trình nào hoàn thành được trong vòng 3 ÷ 4 năm, trong khi ở đây mới chưa đầy 2 năm, thế nên…

Chủ tịch Nguyễn Văn Sơn nhìn tôi với ánh mắt sáng ngời, ông bóp chặt vai tôi và nói: “Cái quan trọng nhất là vốn đầu tư thì chúng tôi đã có nơi trông chừng, thiết bị Nhà máy cũng đã hợp đồng xong với đối tác, vài tháng nữa sẽ được tập kết đầy đủ. Còn những công việc như xây dựng, lắp đặt thiết bị trạm và các tổ máy thì nhân lực trong Công ty đảm nhận được hết. Như vậy đã đủ đảm bảo cho sự tự tin của chúng tôi chưa?” Nói liền một mạch xong, ông Sơn đưa tay chỉ lên ngọn núi trước mặt mà rằng: “Anh kia sẽ là mục tiêu mà công trường cần phải chinh phục ngay từ ngày hôm nay đấy!”. Phía trên đỉnh núi, ở độ cao 1000m, hàng vạn mét khối đất đá đang được những người thợ Sông Đà 11 đào phá, san ủi để xây Bể điều áp và lắp đặt một hệ thống ống áp lực dài 738m theo độ dốc của triền núi, dẫn nước đổ vào tuabin của các tổ máy phát điện đặt ngay dưới chân ngọn núi này. Đây là hạng mục khó khăn, nguy hiểm và hóc búa nhất của toàn bộ công trình, cần được tập trung thi công ngay từ những ngày đầu năm mới Ất Mùi.

Chủ tịch HĐQT Nguyễn Văn Sơn chỉ đạo thi công ngay trên đỉnh núi To Buông
Chủ tịch HĐQT Nguyễn Văn Sơn chỉ đạo thi công ngay trên đỉnh núi To Buông

Tranh thủ lúc trời tạnh ráo, Phạm Viết Cường, Giám đốc Chi nhánh Sông Đà 11.1 – Nhà thầu xây dựng chủ lực – dẫn chúng tôi lên tham quan khu vực đầu mối và tuyến năng lượng. Đây là khu vực xây dựng tuyến đập dâng, đập tràn, cửa nhận nước và tuyến kênh nổi bằng bê tông cốt thép có chiều dài 1700m nối thông vào đường hầm dẫn nước. Hiện nay các mũi thi công của Chi nhánh Sông Đà 11.1 đã hoàn tất 85% khối lượng bê tông đập tràn và đang tiến hành hoàn thiện nốt 300m tuyến kênh dẫn nước. Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Công ty ngay trong tháng Giêng năm Ất Mùi, Chi nhánh Sông Đà 11.1 phải tập trung lực lượng cơ giới khoan, nổ, san gạt, bốc xúc, vận chuyển hàng ngàn mét khối đất đá để bàn giao mặt bằng cho đơn vị bạn thi công lắp đặt tuyến ống áp lực từ độ cao 900m dẫn xuống mặt bằng nơi đặt các tổ máy. Đứng trên đỉnh núi To Buông nhìn xuống thấy rõ trụ sở Nhà máy chỉ cách chừng 1000m, vậy mà phải đi mất gần 30km quanh co vòng vèo mới lên được đến nơi.

Một cuộc hội ý chớp nhoáng bàn biện pháp thi công giữa Chủ tịch HĐQT Công ty với đại diện Ban Quản lý dự án cùng một số Nhà thầu có mặt đã diễn ra ngay trên đỉnh núi. Chủ tịch Nguyễn Văn Sơn yêu cầu Ban Chỉ huy công trường khẩn trương tháo dỡ rào chắn cho thông đường, đồng thời ngay trong đêm mùng 7 Tết phải điều động nhân lực và máy móc thi công vào hiện trường, để 6h sáng hôm sau có thể nổ máy bắt đầu vào công việc trong ngày xuân mới. Ngay từ chập tối, đại diện Ban Quản lý dự án đã tức tốc đến tận nhà riêng của trưởng, phó Bản cùng lực lượng An ninh địa phương, nhờ thông báo và phối hợp cảnh giới để người dân không đi lại hoặc thả trâu bò, dê, lợn gần khu vực thi công.

Vậy là một ngày lao động mới đầu xuân Ất Mùi của các lực lượng xây dựng thuộc Công ty cổ phần Sông Đà 11 đã chuẩn bị bắt đầu, tiến vào chiến dịch chinh phục đỉnh núi To Buông tạo thành tuyến ống áp lực phục vụ cho Nhà máy Thủy điện To Buông phát điện đúng dự kiến. Đêm ấy trên mặt bằng Nhà máy, ngay dưới chân núi To Buông nằm giữa 2 bản Tin Tốc và bản Tà Làng, diễn ra cuộc giao lưu văn nghệ vừa Xòe vừa Hát giữa đông đảo gái trai dân tộc Thái vùng đất Yên Châu và công nhân các đơn vị đang thi công trên công trình. Cuộc vui đầu xuân kéo dài đến tận đêm khuya chứa chan tình nồng ấm giữa núi rừng Tây Bắc.

(Đêm Yên Châu, đầu xuân Ất Mùi – Nguyễn Tất Lộc)

CÔNG TY CỔ PHẦN SÔNG ĐÀ 11

Tầng 7 tòa nhà hỗn hợp Sông Đà – Hà Đông, số 131 đường Trần Phú, phường Văn Quán, quận Hà Đông, Tp Hà Nội

024.33544735 / Fax:024.33542280

vanthu@songda11.com.vn

songda11.com.vn

0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x